Tuesday, July 27, 2010

Tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ

         Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ (doctorate) về thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua.  Nhưng học vị tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất hiện từ thế kỉ 19 mà thôi.  Thật vậy, đầu thế kỉ 19, các trường đại học Đức bắt đầu cấp văn bằng Ph.D cho những sinh viên nào đã hoàn tất một luận án và đã làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một hay hai giáo sư danh tiếng.
Đến giữa thế kỉ 19, văn bằng Ph.D được du nhập vào Mĩ.  Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp văn bằng Ph.D cho sinh viên.  Năm 1902, Đại học Toronto là trường đầu tiên ở Canada cấp bằng Ph.D.  Các đại học Anh cũng theo trào lưu và bắt đầu cấp bằng Ph.D từ năm 1919.  Từ những năm tháng đó văn bằng Ph.D trở nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới.  Ở Mĩ, chỉ tính riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995 [1].  Chỉ tính ở nước ta, ngày nay có 144 trung tâm đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ!  Hàng năm các trung tâm đào tạo ở nước ta thu nhận vào khoảng 1000 thí sinh tiến sĩ  [2].
Tuy nhiên, sự phổ biến của học vị tiến sĩ cũng đi đôi với sự lạm dụng của học vị này.  Vì có quá nhiều trung tâm đào tạo trên thế giới cấp bằng tiến sĩ, và mỗi trung tâm có khác nhau về tiêu chuẩn đào tạo, cơ sở vật chất, giáo sư hướng dẫn, v.v… cho nên không phải học vị tiến sĩ nào cũng có tiêu chuẩn như nhau.  Trên các tập san khoa học quốc tế, đã có khá nhiều nhà khoa học lên tiếng báo động về tình trạng suy đồi chất lượng đào tạo tiến sĩ.  Nhiều người có học vị tiến sĩ nhưng không có kiến thức và chuyên môn tương xứng với học vị cao nhất trong hệ thống đại học này.  Có người lấy ví dụ trong chính sách cấp và thu hồi bằng lái xe để đề nghị rằng nếu một người đã được cấp học vị tiến sĩ nhưng khả năng không xứng đáng với học vị hay vi phạm các nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học nên trả lại bằng cho trường!
Ở nước ta, trên Tạp chí Tia Sáng và báo chí đại chúng, cũng có nhiều nhà khoa học nêu nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất lượng đào tạo và nhiều khiếm khuyết trong việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước.  Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận văn, lạm dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập đến với nhiều bức xúc.  Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi.  Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng y tá!  Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ.  Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là gì.
Thế nào là một học vị tiến sĩ và những tiêu chuẩn nào cần thiết cho một học vị tiến sĩ?  Trả lời câu hỏi này thật không dễ chút nào, bởi vì nói chung ít ai đưa ra được những cái chuẩn cụ thể, hay có đưa ra nhưng sự nhất trí lại không cao.  Ngay cả tại các đại học lâu đời ở các nước Tây phương cũng không có những qui định cụ thể về những tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ, mà chỉ toàn là những phát biểu chung chung.
Mãi đến năm 1987, một nhóm khoa học gia trong lĩnh vực sinh học phân tử đã ngồi lại với nhau, vạch định ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ trong lĩnh vực này.  Sau thêm 2 năm tham khảo từ nhiều nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới, năm 1989, họ hoàn tất một bản thảo về các tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ.  Năm 1999, các tiêu chuẩn này lại được sửa đổi chút ít và công bố trên các tập san khoa học liên quan [3].
Tuy nhiên đó là văn bản về tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ trong ngành sinh học phân tử.  Trong ngành nghiên cứu y sinh học vẫn chưa có một văn bản chính thức như thế.  Nhưng có thể nói các nguyên tắc về nghiên cứu khoa học thì khá giống nhau, dù là sinh học phân tử hay lâm sàng học, hay dịch tễ học.  Vì thế tôi đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu rất kĩ văn bản này và tham khảo thêm nhiều tài liệu đào tạo khác, cộng với kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu y học, tôi có ý định dựa vào các tiêu chuẩn này để soạn thảo ra những tiêu chuẩn cho một học vị tiến sĩ ngành y sinh học như sau.
Bảy tiêu chuẩn cho học vị tiến sĩ
Bảy tiêu chuẩn sau đây được xem là những “tiêu chuẩn vàng” cho một người có học vị tiến sĩ.  Những tiêu chuẩn này có giá trị như nhau, không có tiêu chuẩn nào quan trọng hơn tiêu chuẩn nào, và cách sắp xếp 1, 2, …, 7 chỉ là tùy ý.
Tiêu chuẩn 1: Thí sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, có thể kể đến vật lí, hóa học, sinh học, di truyền học, kinh tế, và toán học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi.
Kiến thức chuyên môn mà một thí sinh tiến sĩ cần phải đạt được phải ở trình độ chuyên gia.  Nói cách khác, thí sinh phải chứng tỏ mình am hiểu các phương pháp thử nghiệm khoa học làm nền tảng cho các nguyên lí và qui luật khoa học.  Điều này đòi hỏi thí sinh chẳng những phải đọc nhiều và phải tham khảo nhiều, mà còn phải có khả năng phân tích những khía cạnh mạnh, yếu của các công trình nghiên cứu trước mình.
Trang bị cho mình những kiến thức về một lĩnh vực chuyên môn nào đó trong khoa học cũng có nghĩa là thí sinh phải làm quen với đặc tính, cấu trúc, các cơ chế, các nguyên lí khoa học về bộ môn đang theo đuổi nghiên cứu.  Chẳng hạn như thí sinh tiến sĩ di truyền học phải hiểu về cơ cấu, cơ chế và hoạt động của gien và môi trường; tín hiệu tế bào; di truyền học, biểu thị gien (genetic expression); sử dụng các cơ sở dữ liệu (database); và các nguyên tác về thử nghiệm khoa học, mô thức (paradigms), và mô hình trong nghiên cứu lâm sàng.
Ngoài ra, thí sinh tiến sĩ phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tiến trình phát triển của một lĩnh vực hay trường phái chuyên môn.          Kiến thức mà thí sinh đã đạt được có thể đánh giá bằng những luận văn hay báo cáo do chính tay thí sinh viết ra, hay thuyết trình do chính thí sinh soạn và trình bày trong các hội thảo, seminar thường kì trong thời gian theo đuổi học tập.
Tiêu chuẩn 2: Thí sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Để xác định và trình bày vấn đề qua một luận án đòi hỏi thí sinh phải rành kĩ năng truy tìm thông tin và kĩ năng xử lí thông tin.  Điều này cũng có nghĩa là thí sinh phải làm quen với nghiên cứu trước, với các tài liệu khoa học liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.  “Làm quen” ở đây có nghĩ là thí sinh chẳng những phải đọc và hiểu kết quả nghiên cứu của người đi trước, mà còn phải có khả năng đánh giá những lí giải, phương pháp thử nghiệm, giả thuyết, mô hình của họ.  “Làm quen” còn có nghĩa là thí sinh phải chứng tỏ rằng mình có khả năng nhận ra những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề cần phải nghiên cứu thêm.  Y văn, nhất là các tập san khoa học (chứ không phải sách giáo khoa), là nguồn tài liệu quan trọng cho thí sinh, bởi vì các tập san này là chiếc cầu quan trọng nối liền giữa các nhà khoa học trên khắp thế giới.  Một yêu cầu quan trọng cho học vị tiến sĩ là thí sinh phải đóng góp một tri thức gì mới vào kho tàng tri thức khoa học; không làm được điều này có nghĩa là thí sinh vẫn chưa xứng đáng là một tiến sĩ.
Khả năng truy nhập và thẩm định dữ kiện là một điều kiện quan trọng cho thí sinh tiến sĩ, nhưng thí sinh cũng phải chứng tỏ khả năng am hiểu dữ kiện nói lên điều gì, khả năng phát triển tri thức, khả năng thấu hiểu tầm quan trọng của các nghiên cứu trước, và khả năng trình bày những dữ kiện và tri thức càng quan trọng hơn.  Những phương tiện và cơ hội cho thí sinh chứng tỏ các khả năng này bao gồm các công việc cụ thể như soạn thảo một đề án nghiên cứu hay xin tài trợ, thường xuyên theo dõi và duy trì thông tin từ các tập san khoa học quan trọng, trình bày nghiên cứu trong các seminar và câu lạc bột đọc báo (journal clubs), soạn thảo kết quả nghiên cứu cho các tập san khoa học chuyên môn, thường xuyên bình duyệt tiến triển của nghiên cứu, và soạn thảo luận án.  Ngoài ra, thí sinh tiến sĩ cũng nên được cho cơ hội để giảng dạy sinh viên đại học hay làm phụ tá giảng dạy để giúp cho thí sinh duy trì sự thích thú và quan tâm đến chuyên ngành cũng như định hướng tương lai.
Tiêu chuẩn 3:  Thí sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình.
Kĩ năng phát hiện vấn đề (problem finding) chỉ có được một khi thí sinh đã làm quen và am hiểu với lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh quan tâm.  Albert Einstein có lần nói “logic có thể giúp cho người ta đi từ A đến B, nhưng tưởng tượng giúp cho người ta đi bất cứ nơi nào”.  Kĩ năng phát hiện vấn đề đòi hỏi thí sinh phải có một kiến thức rộng và cặn kẽ, khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng, và sau khi đã thảo luận với các nhà khoa học liên quan.  Những vấn đề và câu hỏi có ý nghĩa mà thí sinh nêu lên cần phải được giải quyết bằng thử nghiệm hay phân tích, và bước này đòi hỏi thí sinh phải am hiểu các kĩ thuật thử nghiệm và nghiên cứu.  Câu trả lời cho các vấn đề nếu được thừa nhận bởi cộng đồng khoa học sẽ trở thành tri thức của y học và khoa học.
Một cách để đánh giá khả năng phát hiện vấn đề của của thí sinh là tạo điều liện cho thí sinh trình bày một đề tài nghiên cứu liên quan đến luận án trong một cuộc họp nhỏ gồm các nhà khoa học chuyên ngành.  Thí sinh phải chứng tỏ có khả năng nhận ra vấn đề từ nghiên cứu trước để làm đề tài cho nghiên cứu của mình, phải thảo luận và phân tích những cách tiếp cận vấn đề, phải có khả năng chọn lựa một phương pháp (trong nhiều phương pháp) nghiên cứu để dẫn đến khám phá, và phải viết cho được một dự án cho nghiên cứu do chính mình đề ra.
Cố nhiên, khả năng thẩm định vấn đề và định rõ mục tiêu nghiên cứu được phát triển bằng cách thảo luận với giáo sư hướng dẫn hay trả lời các câu hỏi mà giáo sư hướng dẫn nêu lên trong quá trình thảo luận.  Việc phân tích và nêu lên những câu hỏi mới liên quan đến  các bài báo khoa học đã công bố nên được tổ chức thường xuyên dưới hình thức seminar hay câu lạc bộ đọc báo.  Những nghiên cứu mà mục tiêu chỉ để thí sinh học hỏi kĩ thuật và kinh nghiệm thực tế tuy cần thiết, nhưng chưa đủ điều kiện để huấn luyện một tiến sĩ.
Có được kĩ năng phát hiện vấn đề và hình thành những giả thuyết có thể thử nghiệm được thể hiện một quá trình phát triển của thí sinh: từ thụ động sang chủ động với đề tài nghiên cứu của mình.  Do đó, thí sinh cần phải được tạo điều kiện để trình bày và bảo vệ nghiên cứu của mình, cũng như đánh giá nghiên cứu của người khác trong các seminars và hội thảo khoa học cấp quốc gia và quốc tế.   Thí sinh cũng nên được khuyến khích để thiết lập quan hệ với đồng nghiệp trên khắp thế giới, và qua đó mở rộng tầm nhìn cũng như nhận thức cần thiết cho các hợp tác nghiên cứu khoa học sau khi hoàn tất luận án.
Tiêu chuẩn 4:  Thí sinh phải làm chủ được kĩ thuật thử nghiệm khoa học hay kĩ thuật thí nghiệm cơ bản.
Nếu công trình nghiên cứu liên quan đến các vấn đề lâm sàng hay dịch tễ học, thí sinh phải làm chủ được các kĩ thuật thử nghiệm lâm sàng và dịch tễ học.  Nếu công trình nghiên cứu liên quan đến toán kinh tế (econometrics), thí sinh phải làm chủ được các kĩ thuật và cách thiết kế công trình nghiên cứu, kể cả các thuật toán liên quan đến toán học ứng dụng, lí thuyết xác suất, thống kê, v.v...
Phần lớn thí sinh mới bước vào nghiên cứu chỉ học qua vài kĩ thuật cơ bản về nghiên cứu khoa học, cho nên họ cần phải được tạo điều kiện để làm quen với thử nghiệm khoa học thực tế.  Trong giai đoạn đầu, thí sinh phải được huấn luyện để có được những kĩ năng cơ bản như ghi chép số liệu, và lưu trữ dữ kiện nghiên cứu, kể cả hình ảnh và output từ các phần mềm phân tích thống kê, trong các sổ sách dùng cho nghiên cứu.
Bởi vì có rất nhiều các phương pháp thử nghiệm và nhiều thiết bị thí nghiệm, thí sinh không thể nào biết hết tất cả trong một thời gian ngắn, cho nên mục tiêu chính trong phần này là thí sinh nên học những kĩ năng cần thiết và liên quan đến công trình nghiên cứu của mình.  Những kĩ năng này có thể bao gồm khả năng thiết kế, tiến hành thử nghiệm và phân tích số liệu.  Thí sinh cũng phải chứng tỏ đã nắm vững các nguyên tắc về kiểm tra chất lượng trong thử nghiệm, các lí thuyết làm nền tảng cho một kĩ thuật nghiên cứu chuyên biệt, và đủ tự tin cũng như năng lực để có thể hướng dẫn sinh viên trong tương lai.  Chẳng hạn như thí sinh phải biết kết quả đo lường mà thiết bị cho ra được dựa vào các nguyên lí vật lí hay hóa học nào.  Nắm vững và làm chủ được kĩ thuật nghiên cứu là một kĩ năng có thể nói là số 1 trong quá trình tự tạo cho mình sự độc lập trong nghiên cứu khoa học.
Trong một số công trình nghiên cứu cơ bản, thí sinh còn phải có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu về những thiết bị mà mình làm nghiên cứu.  “Tìm hiểu” ở đây có nghĩa là phải biết thiết bị do hãng nào sản xuất, giá cả bao nhiêu, ai là người liên lạc, và cách thức mua thiết bị ra sao.  Yêu cầu này đòi hỏi thí sinh phải làm quen với các catalogues thiết bị nghiên cứu, và tạo cho mình một thói quen đọc báo và quảng cáo từ các nhà sản xuất, hay ghé thăm các quầy trưng bày sản phẩm tại các hội nghị khoa học chuyên ngành.
Hạ tầng cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu khoa học thường rất khác nhau giữa các trung tâm đào tạo, nhất là giữa các nước.  Vì các trung tâm khoa học và trường đại học thường có những chương trình trao đổi nghiên cứu sinh trong một thời gian tử 3 đến 6 tháng để họ cùng học hỏi lẫn nhau.  Điều này đòi hỏi giáo sư hướng dẫn nên tạo điều kiện cho thí sinh viếng thăm và tiêu ra một thời gian ở một trung tâm đào tạo khác để học hỏi thêm về các kĩ năng thí nghiệm.
Nếu có thể, tạo điều kiện cho một giáo sư từ một trung tâm nghiên cứu ngoài Việt Nam tham gia vào hội đồng giáo sư hướng dẫn luận án.  Sự có mặt của một nhà khoa học nước ngoài có thể dưới hình thức cộng tác trong nghiên cứu, hay qua trao đổi thường xuyên giữa sinh viên và ban hướng dẫn.  Sự có mặt của một giáo sư hay một nhà khoa học uy tín trên thế giới ngoài Việt Nam trong ban hướng dẫn luận án không những đảm bảo tính quốc tế của luận án, mà còn là một cách phát biểu gián tiếp giới thiệu các công trình nghiên cứu của Việt Nam cho các đồng nghiệp trên thế giới.
Thí sinh cũng phải nắm vững và hiểu được các nguyên tắc về đạo đức và an toàn thử nghiệm trên con người và thú vật đã được các tổ chức khoa học quốc tế thông qua.  Thật ra, trước khi bắt tay làm nghiên cứu, thí sinh phải đọc qua những nguyên tắc này.  Chỉ khi nào thí sinh nắm được các nguyên tắc về đạo đức khoa học và an toàn thí nghiệm thì mới được cho phép bắt tay vào làm nghiên cứu.
Tiêu chuẩn 5:  Thí sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin bằng miệng và viết.
Giá trị của nghiên cứu khoa học tùy thuộc vào việc truyền đạt thông tin một cách hữu hiệu, nhất là diễn giải phát hiện của mình cho cộng đồng khoa học.  Các nhà khoa học truyền đạt thông tin bằng cách giảng bày, tham gia hội thảo khoa học, thiết kế những áp phích (posters) hấp dẫn, soạn thảo các bài báo khoa học cho xuất bản, đệ đơn xin tài trợ, và nói chuyện với quần chúng.  Thí sinh phải học những kĩ năng này qua thực hành và phát triển tự tin trong thời gian theo học tiến sĩ.  Kĩ năng truyền thông (communication skills) trong khoa học đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự nghiệp của nhà khoa học, bởi vì nó liên quan đến khả năng lí giải một một logic và rõ ràng trong viết lách cũng như trong nói chuyện.
Trong thời gian theo học tiến sĩ, thí sinh có nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển kĩ năng truyền thông của mình:  soạn thảo báo cáo khoa học, soạn thảo đơn xin tài trợ cho nghiên cứu, bình duyệt nghiên cứu của đồng nghiệp, trình bày và bảo vệ luận án, phát biểu trong các hội thảo và câu lạc bộ đọc báo, trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, trình bày kết quả nghiên cứu trong các áp phích, v.v...  Một khía cạnh quan trọng trong các hoạt động này là việc kiểm tra một cách nghiêm túc tất cả thông tin mà thí sinh sắp trình bày trong các hội thảo chuyên môn hay trước quần chúng.  Qua việc kiểm tra này, thí sinh có thể tự mình điều chỉnh cái gì cần (hay không cần) trình bày, tự mình xem lại mối liên hệ và tính liên tục của thông tin, rà soát những chi tiết cần phải làm sáng tỏ thêm, đoán trước được những câu hỏi mà người nghe có thể đặt ra, v.v…  Ngoài ra, thí sinh cũng cần phải dành thì giờ để suy nghĩ về ý nghĩa của các phát hiện hay thông tin nghiên cứu của mình có liên quan gì đến cộng đồng nói chung, những vấn đề liên quan đến đạo đức khoa học và công trạng của đồng nghiệp.
Cần phải khuyến khích thí sinh công bố các kết quả nghiên cứu trên các diễn đàn khoa học quốc tế trước khi viết luận án tiến sĩ.  Phần lớn sinh viên khi bước vào chương trình học tiến sĩ đều chú tâm vào việc viết luận án như là một ưu tiên số một, và cho rằng công bố các bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế là ưu tiên hạng hai.  Nhưng đó là một định kiến hết sức sai lầm!  Một luận án dù có giá trị khoa học cách mấy cũng chỉ lưu lại trên các kệ sách của trường đại học hay được lưu hành trong một số rất ít người liên quan.  Nhưng các bài báo khoa học, nhất là được đăng trên các tập san quốc tế có mức độ ảnh hưởng lớn, thì được lưu hành rộng rãi trong giới chuyên môn và thu hút sự chú ý của đồng nghiệp trên khắp năm châu.  Sự chú ý của đồng nghiệp trên thế giới là một yếu tố cực kì quan trọng để sinh viên có thể thành công trong việc xin học bổng hay một nơi nghiên cứu cho giai đoạn hậu tiến sĩ.
Cần phải tạo điều kiện cho các thí sinh đi dự các hội nghị chuyên môn quốc tế ít nhất là một lần trong thời gian theo học tiến sĩ.  Các hội nghị chuyên môn là các diễn đàn lí tưởng để sinh viên có cơ hội trình bày nghiên cứu của mình trực tiếp với đồng nghiệp trên thế giới, và qua tiếp xúc trực tiếp, các sinh viên có cơ hội gặp và bàn thảo với những người mà trong tương lai có thể là người hướng dẫn mình trong các nghiên cứu hậu tiến sĩ.  Các diễn đàn này còn là nơi lí tưởng để các sinh viên học hỏi và làm quen với “nghệ thuật” thuyết trình khoa học bằng ngoại ngữ trước đồng nghiệp nước ngoài.
Tiêu chuẩn 6:  Thí sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.
Một trong những mục tiêu theo học tiến sĩ là trở thành một nhà khoa học độc lập.  Những kĩ năng này đóng vai trò quan trọng hàng đầu cho một nhà khoa học độc lập.  Thí sinh phải chứng tỏ rằng mình đã hoàn tất thành công một công trình nghiên cứu hay thử nghiệm do chính mình đề ra và tiến hành.  “Hoàn tất thành công” ở đây có nghĩa là kết quả của nghiên cứu đã qua bình duyệt (peer-review) và được công bố trên một tập san khoa học chuyên môn.  Kĩ năng này đòi hỏi thí sinh phải nêu được câu hỏi ở một mức độ thích hợp và vừa phải với trình độ của thí sinh (không quá to tát nhưng cũng không quá tầm thường); tiến hành những thử nghiệm mà kết quả có thể lặp lại dễ dàng, với các phương tiện đối chứng rõ ràng; khả năng phân tích số liệu bằng các phương pháp thống kê thích hợp; diễn giải kết quả phân tích một cách logic, và trình bày kết quả trong các diễn đàn khoa học.  Ngoài ra, thí sinh còn phảu chứng tỏ rằng mình đã nắm vững được kĩ năng phát triển các mô hình có thể thử nghiệm được để giải thích kết quả nghiên cứu và nâng cao hiểu biết về lâm sàng học cũng như khoa học cơ bản.
Cần phải nhấn mạnh rằng kĩ năng này không phải chỉ đơn thuần đóng vai trò thu thập dữ kiện hay sưu tập tài liệu, hay các việc làm khác mà thí sinh đóng vai trò của một kĩ thuật viên.  Thí sinh phải tham gia một cách tích cực vào việc nhận dạng vấn đề và phát hiện vấn đề.  Nên nhớ rằng giáo sư hướng dẫn chỉ cung cấp định hướng và giúp đỡ thí sinh trong việc thảo luận vấn đề và truy tìm nguồn tài liệu; giáo sư hướng dẫn không phải là người làm việc cho thí sinh hay chỉ dạy thí sinh từng chi tiết một.  Hội đồng giáo sư hướng dẫn nên họp thường xuyên để kiểm tra một cách nghiêm chỉnh quá trình phát triển của thí sinh, và tạo điều kiện cho thí sinh tự mình tiến hành những thử nghiệm đã được hội đồng phê chuẩn trong giới hạn của ngân sách và tài lực.  Thí sinh phải lượng định trước những nguy cơ liên quan đến công trình nghiên cứu, và cân nhắc giữa lợi và hại khi có kết quả nghiên cứu.  Thí sinh cũng phải học và biết những khác biệt về phương pháp đo lường trong nghiên cứu để có thể tự đánh giá kết quả nghiên cứu của chính mình.
Trong khi viết luận án, việc mô tả vấn đề cần nghiên cứu không nên quá giới hạn hay quá máy móc.  Thí sinh có thể và có quyền thay đổi chủ đề nghiên cứu sau khi đã biết kết quả nghiên cứu.  Nhưng thí sinh cần phải được khuyến khích để suy nghĩ và phát hiện được những ý nghĩa quan trọng của công trình nghiên cứu, và từ đó có thể đề ra một hay nhiều định hướng nghiên cứu kế tiếp.  Sự cân đối giữa lòng kiên trì và vượt qua khó khăn, đi tìm một phương pháp mới để hoàn tất một mục tiêu chung, và hoang phí thì giờ cho một ý tưởng nghèo nàn chỉ có thể học hỏi qua kinh nghiệm thực tế.  Tương tự, trước sự cám dỗ về một ý tưởng mới, thí sinh phải quyết liệt cưỡng lại để tập trung vào nghiên cứu của mình, để hoàn tất mục tiêu đặt ra lúc ban đầu, để công bố kết quả càng sớm càng tốt.  Nói cách khác, thí sinh phải có một lòng quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình từ đầu chí cuối, và trên đường theo đuổi đó, thí sinh nên “nhắm mắt” làm ngơ trước những cám dỗ ngọt ngào khác.
Tiêu chuẩn 7: Thí sinh phải chứng tỏ mình am hiểu tiếng Anh, và có khả năng sử dụng hay ứng dụng các kĩ thuật trong công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin đã và đang phát triển nhanh chóng, và có ảnh hưởng rất lớn đến nghiên cứu y sinh học nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung.  Ngày nay một đại học hay cơ quan nghiên cứu không thể nào vận hành được nếu không có máy tính và internet.  Do đó, một yêu cầu quan trọng cho thí sinh tiến sĩ là bắt buộc phải am hiểu về cách sử dụng máy vi tính và hệ thống internet.  Thí sinh phải chứng tỏ có khả năng sử dụng các phần mềm quen thuộc hàng ngày, và các phần mềm chuyên môn cho phân tích dữ kiện.  Trung tâm đào tạo cần phải tạo điều kiện để mỗi thí sinh có một máy vi tính riêng và được truy nhập vào internet.
Tiếng Anh là ngôn ngữ khoa học quốc tế.  Hơn 90% các tập san khoa học trên thế giới, ngay cả tập san của các nước Âu châu, cũng xuất bản bằng tiếng Anh.  Tiếng Anh còn là ngôn ngữ của hệ thống internet.  Ngày nay, một nhà khoa học sẽ không thể nào thực hiện chức năng của mình nếu không có kiến thức hay thông thạo tiếng Anh.   Ở một số nước Âu châu, các trường đại học đòi hỏi thí sinh tiến sĩ phải chứng tỏ khả năng nói, đọc và viết tiếng Anh (như có bằng TOEFL hay tương đương) trước khi theo học chương trình tiến sĩ.  Thành ra, các cơ sở đào tạo tiến sĩ nên khuyến khích thí sinh trình bày nghiên cứu trong các seminar bằng tiếng Anh thay và nói bằng tiếng Việt.  Nhưng các bài báo khoa học thì nên viết bằng tiếng Anh, hoặc bằng tiếng Việt nhưng kèm thêm một bản tiếng Anh.
Bảy tiêu chuẩn trên nói lên hai điều kiện chung cho một tiến sĩ: thí sinh phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai là phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại.  Cái cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu.  Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kĩ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ
Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học.  Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”.  Để xứng đáng với danh xưng đó, xã hội đòi hỏi người có học vị phải đạt hai điều kiện chung: phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai là phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại.  Cái cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu.  Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kĩ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Như đã có lần phát biểu trên Nhân dân, tôi nghĩ phải xác định rằng chương trình huấn luyện tiến sĩ là nhằm mục đích đào tạo một đội ngũ nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao cần thiết cho việc phát triển khoa học và công nghệ của nước nhà.  Những người này đóng vai trò then chốt trong nền khoa học, và là nguồn cung cấp nhân lực khoa bảng cho các trường đại học của nước nhà.  Do đó, có một chương trình đào tạo và huấn luyện có chất lượng cao là một bước đầu cực kì quan trọng trong việc chấn chỉnh và phát triển giáo dục đại học ở trong nước.
Nghiên cứu khoa học, nhất là trong khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm, luôn là một nỗ lực mang tính quốc tế.  Học vị tiến sĩ, do đó, có thể ví von như là một giấy thông hành để được tham gia vào nghiên cứu khoa học.  Nói đến “giấy thông hành” là nói đến giá trị pháp lí quốc tế của học vị tiến sĩ.  Vì thế tổ chức một chương trình đào tạo sao cho học vị tiến sĩ từ Việt Nam được đồng nghiệp trên thế giới công nhận và kính trọng là một việc làm hết sức quan trọng.
Một cách khác để đảm bảo tính quốc tế của luận án tiến sĩ là, ngoài các giáo sư trong nước, cần mời một hay hai giáo sư hay nhà khoa học nước ngoài tham gia vào hội đồng thẩm định luận án.  Sự có mặt của đồng nghiệp nước ngoài còn là một cách phát biểu về sự khách quan của quá trình chấm luận án.  Trong thực tế, ở các nước như Mĩ và Úc, người ta qui định luận án tiến sĩ phải được thẩm định bởi ba giáo sư ngoài trường đại học của thí sinh, và ít nhất một trong 3 giáo sư phải từ nước ngoài.
Một trong những biện pháp để đảm bảo tính quốc tế của học vị tiến sĩ, tôi nghĩ chương trình đào tạo tiến sĩ trong nước nên phù hợp với đại đa số qui trình và tiêu chuẩn của các chương trình đào tạo cùng bậc trong các đại học trên thế giới.  Hi vọng rằng những tiêu chuẩn vừa trình bày trên đây sẽ góp một phần nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ở trong nước.
Tài liệu tham khảo:
[1]  Tilghman S, et al.  Trends in the early career of life scientists.  Washington, DC: National Academy Press 1998.
[2] Bằng tiến sĩ, thạc sĩ giá rẻ - chất lượng đến đâu?  www.edu.net.vm/Default.aspx?tabindex=0&tabid=2&mid=37&tid=82&iid=1295.  Truy nhập ngày 27/8/2005.
[3]  Vella F.  Standards for the Ph.D. degree in the molecular biosciences.  IUBMB Life 1999; 48:567-576.

Bảy tiêu chuẩn chung cho một học vị tiến sĩ về y sinh học
  1. Nắm vững các kiến thức cơ bản về sinh lí y học, di truyền học, vật lí, hóa học, sinh hóa học, và toán học.
  2. Am hiểu y văn về lĩnh vực chuyên môn và cập nhật hóa kiến thức liên quan đến lĩnh vực chuyêm môn.
  3. Kĩ năng phát hiện vấn đề hay nêu câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu.
  4. Làm chủ được kĩ thuật thử nghiệm lâm sàng hay thí nghiệm khoa học cơ bản.
  5. Kĩ năng truyền đạt thông tin.
  6. Nắm vững kĩ năng thiết kế và tổ chức tiến hành một công trình nghiên cứu.
  7. Thí sinh phải chứng tỏ mình am hiểu tiếng Anh, và có khả năng sử dụng hay ứng dụng các kĩ thuật trong công nghệ thông tin.


Một luận án tiến sĩ đòi hỏi những gì?
  • Luận án phải nêu được cái mới, có thể là phương pháp mới, phát hiện mới, hay diễn giải mới, thể hiện một cống hiến mới vào kho tàng tri thức nhân loại.
  • Thí sinh phải công bố ít nhất là ba bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt (peer reviewed journals) với chỉ số ảnh hưởng (impact factor) ít nhất là 1.5 trước khi được phép viết luận án.  Các bài báo tóm lược (abstracts) và bài báo trong các hội nghị (conference proceedings) không được tính là “bài báo khoa học”.
  • Luận án không chỉ là tập hợp những bài báo đã công bố, mà phải được viết theo một cấu trúc “kể chuyện” (story telling) một cách liên tục:
  • Chương 1 là điểm qua y văn và nêu được vấn đề để nghiên cứu.  Độ dài từ 50 đến 100 trang.
  • Chương 2 thường là mô tả phương pháp nghiên cứu để giải quyết vấn đề.  Chương này có thể dài từ 20 đến 50 trang.
  • Các chương kế tiếp là kết quả chính của nghiên cứu.  Thông thường các chương này là triển khai một cách chi tiết hơn từ những bài báo khoa học đã được công bố.  Tùy theo công trình nghiên cứu, thường thường phải có 3 đến 5 chương về kết quả nghiên cứu.
  • Chương sau cùng là kết luận và định hướng nghiên cứu trong tương lai.  Chương này dài khoảng 10 đến 50 trang.