Wednesday, June 30, 2010

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ: Không ra đề ở những phần giảm tải

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ: Không ra đề ở những phần giảm tải
Đề thi và những quy định về chấm thi luôn là mối bận tâm hàng đầu của thí sinh (TS) trước mỗi kỳ tuyển sinh.

Phóng viên Thanh Niên đã phỏng vấn ông Ngô Kim Khôi (ảnh) - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó trưởng ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT về những vấn đề này.

 * Đề thi tuyển sinh ĐH năm qua được đánh giá là đổi mới vì phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh. Vậy năm nay đề thi có tiếp tục ra theo hướng đó không, thưa ông?
- Theo quy định, nội dung đề thi phải đạt yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học chủ yếu là lớp 12, đặc biệt phải phân loại được trình độ học lực của TS.
Đề thi sẽ không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Ngoài ra, đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay cũng khuyến khích khả năng sáng tạo của TS theo từng bộ môn. Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất và do trưởng môn chấm thi trình trưởng ban chấm thi quyết định, nhưng không vượt quá 1 điểm.
* Thưa ông, tâm lý của TS sau khi thi xong bao giờ cũng muốn xem lại bài thi để biết đúng, sai. Tuy nhiên, TS lại không được phép mang đề thi ra ngoài ngay cả khi đã nộp bài làm. Tại sao có quy định như vậy?
- Quyết định số 32/2005/QĐ-TTg ngày 7.2.2005 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật trong ngành GD-ĐT quy định: Đề thi, đáp án các kỳ thi tuyển sinh, thi chọn học sinh giỏi, thi tốt nghiệp các cấp học, bậc học, ngành học, trình độ đào tạo chưa công bố, thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ tối mật (kể cả đề thi được sử dụng và đang trong giờ thi). Vì vậy, ngay cả khi TS đã nộp bài thi nhưng chưa hết thời gian làm bài thì đề thi vẫn thuộc danh mục tối mật. Các TS cần lưu ý, đối với môn thi tự luận, sau 2/3 thời gian thi, nếu TS nào làm xong, đã đọc lại kỹ bài thi thì có thể nộp bài thi và đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi rồi mới ra ngoài. Nếu TS mang theo giấy nháp ra ngoài cũng vi phạm quy chế và sẽ bị xử lý theo quy định.
- Đối với đề thi trắc nghiệm, TS làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp phiếu trả lời trắc nghiệm trước khi hết giờ. Khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm, TS phải ký tên vào danh sách TS nộp bài. TS chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép TS ra về.
* Thưa ông, có những trường hợp không bị lập biên bản trong khi thi nhưng vẫn bị trừ điểm bài thi, tại sao?
- Trong khi chấm thi, những bài thi có dấu hiệu vi phạm quy chế cũng sẽ bị phát hiện và xử lý, ngay cả khi không có biên bản của ban coi thi. Ví dụ bài thi hoặc một phần của bài thi chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi sẽ bị điểm 0. Những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định; nộp 2 bài cho một môn thi hoặc bài thi viết bằng các loại chữ, loại mực khác nhau... đều bị nghi vấn có dấu hiệu đánh dấu. Những bài thi này sẽ được tổ chức chấm tập thể và khi trưởng môn chấm kết luận là lỗi cố ý của TS thì bài thi sẽ bị trừ 50% số điểm toàn bài.
* Thưa ông, trong quá trình vận chuyển bài thi, hoặc làm bài không loại trừ những bài thi có thể bị nhàu nát hoặc có những nếp gấp khác thường. Vậy nếu coi đó là những bài có dấu hiệu đánh dấu thì sẽ gây thiệt thòi cho TS?
- Nếu trường hợp bài thi của TS bị nhàu nát vì lý do khách quan (như bị TS khác giằng xé hoặc do quá trình vận chuyển, giao nhận bài thi...) thì căn cứ vào biên bản coi thi, biên bản bàn giao bài thi. Các bộ môn tổ chức chấm bình thường và công nhận kết quả thi cho TS.
Vũ Thơ (thực hiện)